Blog

Tuesday, January 20, 2015

Một số kinh nghiệm khi đi xe tắc xi tại Hàn Quốc

0 comments



Luật mới cho tắc xi ở Hàn Quốc – Từ chối chở khách bị phạt 200.000won từ lần đầu tiên.

Nếu thấy xe tắc xi từ chối chở khách hoặc yêu cầu khách xuống xe vì chặng đường quá xa hay quá gần thì hành khách chỉ cần nhớ biển số xe và gọi cho trung tâm Dasan (승차거부 신고, 120). Tắc xi từ chối chở khách sẽ bị phạt 200.000 won ngay từ lần bị khiếu nại đầu tiên.

Một số kinh nghiệm khi đi xe tắc xi

– Luôn luôn ngồi ở ghế sau, đặc biệt là phụ nữ vì đây là vị trí an toàn khi tham gia giao thông và cũng thuận tiện trong việc xử lý các tình huống khi có mâu thuẫn, bạo hành.

– Khi lên xe nói rõ địa điểm muốn đến. Nhiều trường hợp người nước ngoài phát âm không rõ nên tắc xi chở đến sai địa chỉ nên tốt nhất là phải có địa chỉ rõ ràng, hiện rõ trên bản đồ định vị. Những ai không biết tiếng Hàn, tốt nhất nên tra địa chỉ muốn đến và ghi sẵn ra giấy.

– Các xe tắc xi ở Hàn Quốc hầu hết đều có thể trả bằng tiền mặt hoặc quẹt thẻ ngay trên xe, nhưng vẫn có trường hợp xe không có hoặc bị hỏng máy thanh toán quẹt thẻ nên nếu bạn không có tiền mặt thì phải nói trước với lái xe.

– Đã có trường hợp khi quẹt thẻ, lái xe tắc xi tự ý tăng số tiền gấp nhiều lần cước phí thực (lợi dụng khách hàng thanh toán bằng thẻ thường không để ý và mải xuống xe). 

Nên tốt nhất bạn nên chụp ảnh hay nhớ biển số xe trước khi lên để gọi điện cho trung tâm Dasan. 

Trung tâm Dasan sẽ trực tiếp giải quyết hoặc cho bạn số điện thoại của Công ty quản lý tắc xi để yêu cầu bồi thường.

– Đối với quãng đường xa nên thỏa thuận trước về cước phí và tương tự, nếu tắc xi đòi thêm hoặc có những yêu cầu vô lý khác, phải chụp ảnh hoặc ghi nhớ biển số xe, mã số hành nghề của lái xe (dán bên trong xe) để lấy bằng chứng tố cáo.
Theo thongtinhanquoc


Post a Comment

Monday, January 5, 2015

Sài Gòn, thành phố ẩm thực đa quốc gia

0 comments

                               
Bài và hình: Nguyễn Đạt/Người Việt

Sài Gòn là thành phố tập trung các nhà hàng quán nhậu, từ lớn nhỏ sang trọng tới bình dân vỉa hè, nhiều nhất trong cả nước. Các nhà hàng với những món ăn đặc sản của nhiều nước cũng đã xuất hiện tại Sài Gòn từ những năm qua. 



Đấy là những nhà hàng quán tiệm với các món ăn ngoại nhập, hoặc các món ăn chế biến theo công thức của nước ngoài. Chủ những quán ấy thường là người Việt, hoặc người Việt hợp tác với người nước ngoài để mở quán.

Món gà rán Kentucky - Hoa Kỳ ở các nhà hàng KFC - Kentucky Food Chicken - đã có mặt khá sớm tại Sài Gòn; gần đây lại xuất hiện món gà rán Texas ở nhà hàng mang tên Texas Chicken.

Một người Đức sống tại Sài Gòn, lấy vợ người Việt Nam, đã mở cửa hàng Vua Xúc Xích - Leon King tại quận Bình Thạnh, chuyên sản xuất và kinh doanh xúc xích Đức tại quận Bình Thạnh vào năm 2012. 


Các nhà hàng, quán tiệm đặc sản Hàn Quốc cũng xuất hiện tại Sài Gòn từ nhiều năm qua. Gần đây tại quận Gò Vấp xuất hiện tiệm bánh flan Tây Ban Nha, tiệm bánh mực nướng Nhật tại quận 1, quán sushi Nhật tại quận 5...

Cùng với sự có mặt tràn lan của các xe bán bánh mì - xe bán xôi - quán nhậu vỉa hè... như một đặc thù của thành phố lớn nhất nước, các món ăn đặc sản nước ngoài cũng “xuống đường.”



Nhà hàng Texas Chicken tại quận 1.

Thực hiện kinh doanh “xuống đường” quy mô hơn cả, phải kể tới những kiosque và xe bán gà rán lưu động mang thương hiệu Năm Sao - Five Stars.

Đây là sản phẩm của một tập đoàn kinh doanh thực phẩm Thái Lan; các kiosque và xe lưu động bán gà rán - cá viên chiên - xúc xích... theo công thức của Thái Lan, tại nhiều địa điểm của thành phố, kể cả vùng ngoại ô Sài Gòn.

Bà con ở quận 4 lâu nay thường nhắc tới ông Dieter người Đức, tuổi gần 60, dùng xe gắn máy có thiết bị porte bagage rất lớn, bán bánh mì kẹp xúc xích Đức tại đường Hoàng Diệu, đường phố lớn nhất của quận 4.

Món bánh mì kẹp xúc xích Đức của ông Dieter bán khá chạy, mỗi ngày từ 6 giờ sáng tới 8 giờ tối có thể bán được gần trăm ổ. Bà con từng mua bánh mì kẹp xúc xích Đức của ông Dieter cho biết: ông người Đức này vì ưa thích Sài Gòn, cùng cô bạn gái người Việt Nam tính kế mưu sinh để sống lâu dài ở đây, nên đã hình thành “xe gắn máy bán bánh mì kẹp xúc xích Đức” nói trên.

Cả ông người Đức có cửa hàng Vua Xúc Xích - Leon King cũng tổ chức bán xúc xích Đức lưu động dọc theo vỉa hè, trên chiếc xe tải nhỏ. Ông này vừa nướng xúc xích bán lẻ, vừa bỏ mối cho nhiều nhà hàng tại Sài Gòn.

Đáp ứng sở thích và thói quen ăn nhậu của người Sài Gòn, một quán nhậu “rất Mỹ mà cũng đầy hơi hướng Việt,” đã được lập nên tại ngôi nhà 3 tầng trên con đường lớn, nối tiếp Đại lộ Đông Tây: đường Võ Văn Kiệt, quận 1.

Quán do 3 chủ nhân hợp tác kinh doanh, trong đó có một ông người Pháp tên là Albin, từng sống tại Việt Nam trên 10 năm nay. Tọa lạc tại số 168 đường Võ Văn Kiệt, quán trương biển hiệu thật lớn, ghi những hàng chữ: Quán Ụt Ụt - American BBQ, Burgers & Beer.

Ông Albin phụ trách đầu bếp trưởng, chế biến ngay trên khoảng sân trước quán, những món ăn đặc sản Hoa Kỳ như hamburger - thịt xông khói; lại có cả những món người Việt rất ưa thích như sườn heo nướng - da gà chiên giòn...




Quán ăn Hàn Quốc tại quận 11.

Quán Ụt Ụt, cái tên rất bình dân cho một nhà hàng 3 tầng, cũng đủ cho dân Sài Gòn chiếu cố.

Bàn ghế của quán Ụt Ụt đơn giản mà mỹ thuật, cách sắp xếp thoáng đãng. Và với ông Tây đầu bếp trưởng điều hành chế biến các món ăn đặc sản Hoa Kỳ, thêm các món ăn khoái khẩu của dân Việt Nam nữa, đủ bảo đảm chất lượng một bữa ăn nhậu thú vị.


Quán Ụt Ụt đã hấp dẫn cả thực khách người nước ngoài và dân ăn nhậu Sài Gòn. Vào quán Ụt Ụt mỗi chiều, sẽ thấy đông nghẹt dân nhậu Sài Gòn lẫn khách nước ngoài. Nhiều người dẫn cả gia đình vào ăn tại đây, để thưởng thức hương vị những món ăn Hoa Kỳ và Việt Nam do ông Tây phụ trách đầu bếp trưởng.

Có người nói: Quán Ụt Ụt mặc nhiên tạo ra cung cách đặc biệt: đó là quán chờ!

Bởi thông thường từ 18 giờ, lúc trời chiều mát mẻ, thực khách các nơi mới hẹn nhau có mặt tại quán. Nhưng chúng tôi nhận thấy, thường xuyên vào giờ đó, bàn ghế trong quán đã chật thực khách. Phải thêm bàn ghế bày ra, trên phần diện tích của vỉa hè trước quán, ngay cạnh bếp nấu ngoài trời. Khách chờ món ăn dù hơi lâu, nhưng không sốt ruột: Họ có thể nhâm nhi ly bia hay ly rượu vang, lai rai với đĩa đậu phộng.

Từ lúc khai trương, quán Ụt Ụt đã tạo được sự tin tưởng của thực khách về tình trạng không “chém, chặt” ở đây.

Tính chung các món ăn tại quán Ụt Ụt, có giá từ 30-300 ngàn đồng, chỉ nhích hơn đôi chút so với các quán tiệm trung bình tại Sài Gòn; không kể những nhà hàng lớn, những quán tiệm sang trọng tương tự quán Ụt Ụt, giá cả có thể cao hơn gấp rưỡi, hoặc nhiều hơn nữa.


Post a Comment

Sunday, January 4, 2015

Phải làm gì khi bị lỡ chuyến bay

0 comments


Bị tắc đường, ngủ dậy muộn hay vì bất cứ lý do gì đã làm lỡ chuyến bay, đừng quá hoảng hốt, hãy bình tĩnh bởi sẽ có nhiều cách để giải quyết vấn đề.

 

Đầu tiên, hãy đến sân bay tỏ ra lịch sự nói với nhân viên hỗ trợ khách hàng vấn đề và có thể bạn sẽ nhận được nhiều sự trợ giúp.

1. Vẫn đến sân bay

Việc bị lỡ chuyến bay là điều không ai mong muốn, thế nhưng không có nghĩa là trời đất sẽ sụp đổ. 


Bạn phải thật bình tĩnh, bởi nếu cứ rối lên thì sẽ không tìm được cách giải quyết vấn đề. 

Việc đầu tiên nên làm là vẫn đến sân bay cho dù bạn chắc chắn là máy bay đã cất cánh. Đến gặp nhân viên hỗ trợ và nói ra vấn đề của bạn, có thể bạn sẽ được bay chuyến tiếp theo cách sau vài giờ. 

Với một số hãng, bạn sẽ được bay trong chuyến kế tiếp mà không phải trả thêm bất cứ loại phí nào hoặc nếu may mắn bạn cũng sẽ nhận được một số ưu đãi nào đó. Đừng từ bỏ và quay xe về nhà ngay.

2. Tỏ ra bình tĩnh và lịch sự

Bạn sẽ rất căng thẳng và rối trí khi bị lỡ chuyến bay. Nhưng sẽ là điều cần thiết là phải kiềm chế cảm xúc khi đến quầy chăm sóc khách hàng. Nếu bạn cứ quát loạn lên thì nhân viên sân bay có thể sẽ khó để giúp bạn một cách tốt nhất. 


Họ cũng là con người và việc bạn bị lỡ chuyến bay không phải là do họ. Tỏ ra lịch sự nói ra vấn đề của mình với thái độ mong muốn được giúp đỡ có thể sẽ mang lại kết quả bất ngờ đấy.

Phải làm gì khi bị lỡ chuyến bay Lịch sự hỏi về vấn đề của mình với nhân viên hỗ trợ sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.

3. Chuẩn bị tinh thần trả tiền phí đổi vé

Tùy mỗi hãng bay sẽ quy định mức đổi vé khác nhau. Thế nhưng bạn sẽ chỉ mất phí đổi vé một lần, tức là nếu bạn lại bị lỡ chuyến bay thì bạn sẽ không phải trả thêm tiền nữa. Việc đổi vé có lợi hơn nhiều là bạn về nhà và mua vé khác trong dịp sau. 


Chuyến kế tiếp có thể cách đó 1-2 tiếng. Dù vậy, cũng phải chuẩn bị tinh thần không phải lúc nào cũng còn trống vé cho bạn đổi.

4. Mang theo những giấy tờ cần thiết

Ngoài những giấy tờ bắt buộc phải có khi đi máy bay như hộ chiếu, chứng minh thư… thì bạn nên mang theo những giấy tờ khác liên quan như hợp đồng với hãng bay, những điều khoản khách hàng, bảo hiểm du lịch. 


Trong trường hợp hãng bay không tuân theo đúng thủ tục để bạn được những trợ cấp khi lỡ chuyến bay (nếu có).

5. Gọi điện cho người thân, đặt lại phòng khách sạn

Gọi điện cho người thân thông báo rằng bạn bị lỡ chuyến bay và không thể đến gặp họ như dự kiến. Để họ không cảm thấy lo lắng rằng đã có chuyện không hay với bạn. 


Bên cạnh đó, nếu bạn đã đặt phòng khách sạn thì cũng nên gọi họ và đặt lại phòng vào giờ khác. Tránh trường hợp bạn tới nơi mà không có phòng để nghỉ.


Phải làm gì khi bị lỡ chuyến bay
Tận dụng thời gian đợi chuyến bay để chiều chuộng bản thân nhiều hơn.

6. Thư giãn

Việc lỡ chuyến bay thì cũng đã xảy ra rồi, việc bạn cứ trách móc bản thân cũng như người khác cũng không thể mang máy bay quay lại được. 


Việc nên làm là thoải mái, thư giãn chờ chuyến bay tiếp theo. Ăn một chút gì đó, ngủ một giấc hay đi ngó nghiêng xung quanh sân bay. Nhưng hãy nhớ là không được đi quá xa và luôn nhớ giờ bay, đề phòng lại bị lỡ chuyến bay lần nữa.

Theo Ngôi sao


Post a Comment