Blog

Friday, December 19, 2014

Bí quyết đổi tiền có tỷ giá hợp lý khi du lịch nước ngoài

1 comments




 
 Đừng đổi tiền ở chợ đêm. Sẽ thật khủng khiếp bởi bạn có thể bị móc túi, cướp giật hoặc đen đủi là nhận lại cả đống tiền giả.

Ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý, một việc vô cùng quan trọng mà bạn phải chú ý đó là mức chuyển đổi ngoại tệ ở nơi bạn sắp đến. Và dưới đây là các cách có lợi nhất khi chuyển đổi tiền ở nước ngoài.
 
1. Tìm hiểu về những khoản phí ngân hàng đối với giao dịch quốc tế

Bạn sẽ luôn nhận được tỷ giá hợp lý nhất khi sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hoá, mức rút tiền từ ATM có cao hơn một chút. Bởi khi đó, bạn sẽ chỉ phải chịu mức phí rất ít ngân hàng đưa ra. Thế nhưng vẫn có nhiều ngân hàng hay công ty phát hàng thẻ tín dụng sẽ thu thêm một khoản phụ phí 3% với những giao dịch quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ để chọn được ngân hàng có mức phí chuyển dịch thấp nhất.

2. Nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ

Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý thì điều cần thiết nữa là bạn nên tìm hiểu mức chuyển đổi ngoại tệ ở quốc gia bạn đến. Chúng có ở trên báo, trên mạng hoặc bạn cũng có thể gọi tổng đài. Bạn sẽ không muốn bị mất tiền oan uổng đâu.

3. Sử dụng triệt để thẻ ngân hàng

Như đã nói ở trên, sử dụng thẻ ngân hàng khi đi mua sắm sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá khoản phí mỗi lần rút tiền ở cây ATM. Nhưng khi cần phải rút tiền, bạn nên kiểm tra lại mức phí rút tiền, mức áp dụng cho những cây ATM ở nước ngoài là khoảng 5 USD.

4. Lập kế hoạch trước cho những khoản thu chi

Bạn không muốn phải mang theo một đống tiền mặt theo mình, vừa bất tiện, vừa nguy hiểm. Bởi bạn sẽ thành mục tiêu cho những kẻ móc túi, cướp giật. Việc lập kế hoạch thu chi giúp bạn ước chừng được số tiền mình mang theo và sử dụng, bởi có thể bạn sẽ phải chịu mức đổi tiền cao trong những hoàn cảnh cấp thiết. 
 
Một lưu ý nhỏ là đổi tiền ở những thành phố lớn sẽ có lợi hơn là ở những thị trấn nhỏ, hơn nữa ở một số nước bạn sẽ không thể tìm thấy chỗ đổi tiền ở vùng ngoại ô.

5. Hạn chế đổi tiền ở các bốt trạm tàu điện, sân bay

Đơn giản bởi mức phí bạn phải chịu cũng sẽ cao hơn, tất nhiên cũng có ngoại lệ, dù không nhiều. Dù rằng những bốt trạm đó rất tiện lợi, thế nhưng khi bạn cần tiền mặt và không thể tìm ra cây ATM, tốt nhất nên đến thẳng ngân hàng uy tín, hay bưu điện để đổi tiền. Nhiều quốc gia du lịch, các bốt đổi tiền của ngân hàng được bố trí ở khắp nơi trong thành phố.

6. Luôn có sẵn tiền đôla Mỹ trong ví

Bất kể bạn đi du lịch đến nước nào thì tiền đôla Mỹ cũng có tác dụng nhất định. Rất nhiều nước chấp nhận đồng tiền này để giao dịch, tuy nhiên bạn cũng nên nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ trước khi giao dịch.

7. Sử dụng máy tính khi cần thiết

Việc chuyển đổi tiền đôi khi làm bạn lúng túng, mang theo một chiếc máy tính bỏ túi hoặc sử dụng luôn máy tính trên smartphone là một cách hữu hiệu. Đối với những khoản tiền lớn, việc tự tính lại số tiền cũng là điều nên làm, đôi khi ngân hàng hay giao dịch viên cũng có những sai sót.

8. Đừng đổi tiền ở chợ đêm

Bạn sẽ trở thành nạn nhân khi đi đổi tiền ở những khu chợ đêm. Sẽ thật khủng khiếp bởi bạn có thể bị móc túi, cướp giật hoặc đen đủi hơn là nhận lại cả đống tiền giả.

Theo Ngôi sao


1 comment

Post a Comment

Saturday, December 13, 2014

Máy bay quay đầu vì hành khách Trung Quốc hất nước nóng vào tiếp viên

0 comments

                                                Quang cảnh hỗn loạn trên máy bay sau khi xảy ra vụ cãi vã liên quan đến các hành khách Trung Quốc. Ảnh: Weibo


Một chuyến bay của hãng Air Asia hôm qua phải quay đầu sau khi một nữ hành khách người Trung Quốc gây gổ và cố tình hất nước nóng vào người một tiếp viên. 
 
WSJ dẫn thông cáo từ hãng Air Asia cho hay một nữ hành khách không rõ danh tính đã tấn công tiếp viên vì không hài lòng với dịch vụ trên chuyến bay từ Bangkok đến thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.

Người phụ nữ này và người đàn ông đi cùng nổi cáu vì họ không được ngồi gần nhau. Họ thuộc một nhóm du khách đông người và các chỗ ngồi được sắp xếp theo thứ tự chữ cái. 

Vấn đề sau đó được giải quyết khi các tiếp viên xếp cho họ ngồi cạnh nhau. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa dừng lại khi nữ hành khách yêu cầu một cốc nước nóng và hắt nó vào tiếp viên. 

Cô này được chữa trị tạm thời trong thời gian máy bay quay ngược hành trình và không có vết thương nào nghiêm trọng.

"Cơ trưởng đã quyết định quay ngược về sân bay Don Mueang do xét thấy hành động của hành khách trên gây nguy hiểm cho các hành khách khác và cản trở dịch vụ bay", thông cáo của Air Asia cho biết.

Những hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy khung cảnh hỗn loạn trên chuyến bay FD9101 khi các nữ tiếp viên mặc đồng phục đỏ tập trung ở lối đi, dường như là đang tranh cãi với một nhóm hành khách ngoan cố. 

Zhang Xiao, hành khách tự nhận là người dẫn chương trình của một kênh tiếng Hoa ở Thái Lan, viết trên Weibo rằng rắc rối xảy ra do một người phụ nữ và một người đàn ông.

"Người đàn ông bảo anh ta muốn đánh bom máy bay, còn phụ nữ kia nói cô ta muốn tự tử", ông Zhang viết, thêm rằng chính phụ nữ này đã hắt nước vào tiếp viên. 

Một đoạn video cho thấy một nam hành khách đang hét những lời tục tĩu vào mặt thành viên phi hành đoàn, trong khi những người nói tiếng Hoa xung quanh chỉ trích cách hành xử vô văn hóa của anh này.

Sau khi máy bay quay lại Bangkok, người phụ nữ trên và ba hành khách khác đã bị đưa ra khỏi máy bay và giải đến đồn cảnh sát sân bay.

"Họ đang đánh mất thể diện ở nước ngoài", ông Zhang viết. Vụ việc cũng đang là đề tài nóng nhất trên mạng xã hội Weibo.

Đây không phải là lần đầu tiên hành khách Trung Quốc gây ra rắc rối trên máy bay, nhưng hầu hết những vụ việc trước đó chỉ giới hạn trong các chuyến bay nội địa. Các hành khách nước này thường không kiềm chế được cơn giận dữ vì chuyến bay bị chậm hoặc hoãn, thức ăn trên máy bay không ngon hoặc dịch vụ không vừa ý.

Du khách Trung Quốc cũng gây ra nhiều tai tiếng ở nước ngoài vì hành xử kém, từ vẽ bậy lên các di tích ở Ai Cập đến cho trẻ em đi vệ sinh tùy tiện ở nơi công cộng.

Tình trạng này khiến chính phủ phải đưa ra một danh sách những việc nên làm và không nên làm cho các công dân nước này, trong đó có cả yêu cầu du khách Trung Quốc không ăn cắp áo phao cứu sinh ở dưới ghế ngồi máy bay. 
Anh Ngọc/VnExpresss


Post a Comment