Blog

Friday, December 19, 2014

Bí quyết đổi tiền có tỷ giá hợp lý khi du lịch nước ngoài

1 comments




 
 Đừng đổi tiền ở chợ đêm. Sẽ thật khủng khiếp bởi bạn có thể bị móc túi, cướp giật hoặc đen đủi là nhận lại cả đống tiền giả.

Ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý, một việc vô cùng quan trọng mà bạn phải chú ý đó là mức chuyển đổi ngoại tệ ở nơi bạn sắp đến. Và dưới đây là các cách có lợi nhất khi chuyển đổi tiền ở nước ngoài.
 
1. Tìm hiểu về những khoản phí ngân hàng đối với giao dịch quốc tế

Bạn sẽ luôn nhận được tỷ giá hợp lý nhất khi sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hoá, mức rút tiền từ ATM có cao hơn một chút. Bởi khi đó, bạn sẽ chỉ phải chịu mức phí rất ít ngân hàng đưa ra. Thế nhưng vẫn có nhiều ngân hàng hay công ty phát hàng thẻ tín dụng sẽ thu thêm một khoản phụ phí 3% với những giao dịch quốc tế. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ để chọn được ngân hàng có mức phí chuyển dịch thấp nhất.

2. Nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ

Trước mỗi chuyến đi, ngoài việc chuẩn bị tư trang hành lý thì điều cần thiết nữa là bạn nên tìm hiểu mức chuyển đổi ngoại tệ ở quốc gia bạn đến. Chúng có ở trên báo, trên mạng hoặc bạn cũng có thể gọi tổng đài. Bạn sẽ không muốn bị mất tiền oan uổng đâu.

3. Sử dụng triệt để thẻ ngân hàng

Như đã nói ở trên, sử dụng thẻ ngân hàng khi đi mua sắm sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá khoản phí mỗi lần rút tiền ở cây ATM. Nhưng khi cần phải rút tiền, bạn nên kiểm tra lại mức phí rút tiền, mức áp dụng cho những cây ATM ở nước ngoài là khoảng 5 USD.

4. Lập kế hoạch trước cho những khoản thu chi

Bạn không muốn phải mang theo một đống tiền mặt theo mình, vừa bất tiện, vừa nguy hiểm. Bởi bạn sẽ thành mục tiêu cho những kẻ móc túi, cướp giật. Việc lập kế hoạch thu chi giúp bạn ước chừng được số tiền mình mang theo và sử dụng, bởi có thể bạn sẽ phải chịu mức đổi tiền cao trong những hoàn cảnh cấp thiết. 
 
Một lưu ý nhỏ là đổi tiền ở những thành phố lớn sẽ có lợi hơn là ở những thị trấn nhỏ, hơn nữa ở một số nước bạn sẽ không thể tìm thấy chỗ đổi tiền ở vùng ngoại ô.

5. Hạn chế đổi tiền ở các bốt trạm tàu điện, sân bay

Đơn giản bởi mức phí bạn phải chịu cũng sẽ cao hơn, tất nhiên cũng có ngoại lệ, dù không nhiều. Dù rằng những bốt trạm đó rất tiện lợi, thế nhưng khi bạn cần tiền mặt và không thể tìm ra cây ATM, tốt nhất nên đến thẳng ngân hàng uy tín, hay bưu điện để đổi tiền. Nhiều quốc gia du lịch, các bốt đổi tiền của ngân hàng được bố trí ở khắp nơi trong thành phố.

6. Luôn có sẵn tiền đôla Mỹ trong ví

Bất kể bạn đi du lịch đến nước nào thì tiền đôla Mỹ cũng có tác dụng nhất định. Rất nhiều nước chấp nhận đồng tiền này để giao dịch, tuy nhiên bạn cũng nên nắm được mức chuyển đổi ngoại tệ trước khi giao dịch.

7. Sử dụng máy tính khi cần thiết

Việc chuyển đổi tiền đôi khi làm bạn lúng túng, mang theo một chiếc máy tính bỏ túi hoặc sử dụng luôn máy tính trên smartphone là một cách hữu hiệu. Đối với những khoản tiền lớn, việc tự tính lại số tiền cũng là điều nên làm, đôi khi ngân hàng hay giao dịch viên cũng có những sai sót.

8. Đừng đổi tiền ở chợ đêm

Bạn sẽ trở thành nạn nhân khi đi đổi tiền ở những khu chợ đêm. Sẽ thật khủng khiếp bởi bạn có thể bị móc túi, cướp giật hoặc đen đủi hơn là nhận lại cả đống tiền giả.

Theo Ngôi sao


1 comment

Post a Comment

Saturday, December 13, 2014

Máy bay quay đầu vì hành khách Trung Quốc hất nước nóng vào tiếp viên

0 comments

                                                Quang cảnh hỗn loạn trên máy bay sau khi xảy ra vụ cãi vã liên quan đến các hành khách Trung Quốc. Ảnh: Weibo


Một chuyến bay của hãng Air Asia hôm qua phải quay đầu sau khi một nữ hành khách người Trung Quốc gây gổ và cố tình hất nước nóng vào người một tiếp viên. 
 
WSJ dẫn thông cáo từ hãng Air Asia cho hay một nữ hành khách không rõ danh tính đã tấn công tiếp viên vì không hài lòng với dịch vụ trên chuyến bay từ Bangkok đến thành phố Nam Kinh, Trung Quốc.

Người phụ nữ này và người đàn ông đi cùng nổi cáu vì họ không được ngồi gần nhau. Họ thuộc một nhóm du khách đông người và các chỗ ngồi được sắp xếp theo thứ tự chữ cái. 

Vấn đề sau đó được giải quyết khi các tiếp viên xếp cho họ ngồi cạnh nhau. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa dừng lại khi nữ hành khách yêu cầu một cốc nước nóng và hắt nó vào tiếp viên. 

Cô này được chữa trị tạm thời trong thời gian máy bay quay ngược hành trình và không có vết thương nào nghiêm trọng.

"Cơ trưởng đã quyết định quay ngược về sân bay Don Mueang do xét thấy hành động của hành khách trên gây nguy hiểm cho các hành khách khác và cản trở dịch vụ bay", thông cáo của Air Asia cho biết.

Những hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy khung cảnh hỗn loạn trên chuyến bay FD9101 khi các nữ tiếp viên mặc đồng phục đỏ tập trung ở lối đi, dường như là đang tranh cãi với một nhóm hành khách ngoan cố. 

Zhang Xiao, hành khách tự nhận là người dẫn chương trình của một kênh tiếng Hoa ở Thái Lan, viết trên Weibo rằng rắc rối xảy ra do một người phụ nữ và một người đàn ông.

"Người đàn ông bảo anh ta muốn đánh bom máy bay, còn phụ nữ kia nói cô ta muốn tự tử", ông Zhang viết, thêm rằng chính phụ nữ này đã hắt nước vào tiếp viên. 

Một đoạn video cho thấy một nam hành khách đang hét những lời tục tĩu vào mặt thành viên phi hành đoàn, trong khi những người nói tiếng Hoa xung quanh chỉ trích cách hành xử vô văn hóa của anh này.

Sau khi máy bay quay lại Bangkok, người phụ nữ trên và ba hành khách khác đã bị đưa ra khỏi máy bay và giải đến đồn cảnh sát sân bay.

"Họ đang đánh mất thể diện ở nước ngoài", ông Zhang viết. Vụ việc cũng đang là đề tài nóng nhất trên mạng xã hội Weibo.

Đây không phải là lần đầu tiên hành khách Trung Quốc gây ra rắc rối trên máy bay, nhưng hầu hết những vụ việc trước đó chỉ giới hạn trong các chuyến bay nội địa. Các hành khách nước này thường không kiềm chế được cơn giận dữ vì chuyến bay bị chậm hoặc hoãn, thức ăn trên máy bay không ngon hoặc dịch vụ không vừa ý.

Du khách Trung Quốc cũng gây ra nhiều tai tiếng ở nước ngoài vì hành xử kém, từ vẽ bậy lên các di tích ở Ai Cập đến cho trẻ em đi vệ sinh tùy tiện ở nơi công cộng.

Tình trạng này khiến chính phủ phải đưa ra một danh sách những việc nên làm và không nên làm cho các công dân nước này, trong đó có cả yêu cầu du khách Trung Quốc không ăn cắp áo phao cứu sinh ở dưới ghế ngồi máy bay. 
Anh Ngọc/VnExpresss


Post a Comment

Sunday, November 23, 2014

Voi chở khách ở Thái Lan tấn công quản tượng đến chết

0 comments
Plai Por có dấu hiệu musth trước khi giết chết quản tượng tại khu công viên ở Phuket. Ảnh: Kritsada Mueanhwong

 Một con voi đực tấn công quản tượng khi người này đang tháo xích để con vật đưa du khách đi tham quan ở Phuket, Thái Lan.

Hôm 17/11, voi Plai Por, 23 tuổi, được phép đưa khách đi tham quan ở công viên Phuchada Safari, thuộc ngôi làng Rawai trên đảo Phuket, nhưng có dấu hiệu của trạng thái "musth" nên bị xích lại, Phuket Gazette dẫn lời cảnh sát Chollada Chokdeesrijun cho biết. Musth là thời kỳ sự kích thích tình dục tăng cao ở voi đực, thể hiện qua hành vi hung hăng, hiếu chiến.

"Por bắt đầu thể hiện những dấu hiệu hung hăng vào cuối tuần, nhưng vẫn chở du khách vào sáng 17/11. Tuy nhiên, quản tượng nghĩ Por không thích hợp để đi cùng khách, nên đã xích nó lại vào buổi chiều", cảnh sát Chollada giải thích.

Quản tượng Wittawat Salangam, 22 tuổi, bị tấn công vào ngày 18/11 khi đang tháo xích cho Por. 

Theo ông Chollada, khi Wittawat tiến đến tháo xích, Por dùng vòi đẩy mạnh anh xuống đất và tấn công liên tiếp quản tượng này cho tới khi nạn nhân chết. Lúc ấy, voi vẫn bị xích. Sau đó, thi thể Wittawat được chuyển tới Bệnh viện Vachira Phuket.

Por sẽ được giữ ở trại cho tới khi thời kỳ musth qua đi. Cảnh sát Chollada cho hay nhân viên ở công viên Phuchada Safari hy vọng Por sẽ trở về tiếp tục công việc và từ chối bình luận về sự việc đáng tiếc trên.

Vụ việc voi Por tấn công quản tượng Wittawat xảy ra chỉ vài ngày sau khi một con voi khác ở tỉnh Phang Nga giẫm chết quản tượng rồi chạy vào rừng, trong khi trên lưng vẫn chở hai du khách người Nga. Phuchada Safari là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ở đảo Phuket với dịch vụ du lịch cùng voi.
Bình Minh/VnExpress


Post a Comment

Thursday, November 20, 2014

10 điều nên chuẩn bị cho chuyến du lịch nước ngoài

1 comments


Chuẩn bị đồ đạc cần thiết, tìm hiểu các tin tức về thời tiết, tình hình an ninh của đất nước mình đến sẽ giúp bạn có một kỳ nghỉ lý tưởng.
 
Những kinh nghiệm sau đây sẽ giúp du khách đi du lịch nước ngoài một cách an toàn, hiệu quả.

1. Trước khi lên đường

Bạn nên lưu vào cuốn sổ nhỏ địa chỉ và số điện thoại của đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam tại đất nước mà bạn sẽ đến. Đây là chi tiết quan trọng để nếu xảy ra những sự việc như mất hộ chiếu, bạn sẽ nhờ họ can thiệp giải quyết. Nếu có bạn bè, bạn cũng nên lưu số điện thoại của họ.

Ngoài ra bạn cũng nên lưu lại số của văn phòng đại diện hãng hàng không mà bạn mua vé, vì nếu có vấn đề gì liên quan đến chuyến bay, bạn cũng có thể hỏi được.
 
2. Xem thời tiết

Tìm hiểu về thời tiết, một số chi tiết về tình hình an ninh... ở các nước bạn sắp đến cũng là điều quan trọng để bạn sẵn sàng đối phó như mưa bão, hay mất ổn định chính trị.

3. Chuẩn bị đồ đạc

Xắp sếp quần áo vào vali  một cách hợp lý để tránh mang vác cồng kềnh khi ra nước ngoài. Nên nhớ cuộn tròn quần áo để đỡ tốn diện tích; sữa tắm, dầu gội đầu nên bịt kín bằng giấy bọc thức ăn rồi đóng nắp, tránh bị chảy ra ngoài. 

Nên nhớ mang theo một đôi giày đế mềm để di chuyển, ô, kính râm, kem chống nắng, dưỡng ẩm, bàn chải đánh răng...

4. Chuẩn bị bản đồ, các tin tức du lịch

Nếu không chuẩn bị được bản đồ ở Việt Nam thì khi đến sân bay bạn phải tìm đến các quầy cung cấp tin tức, để có chỉ dẫn, lấy bản đồ về thành phố, hướng dẫn du lịch nơi bạn đến.

5. Sạc pin điện thoại

Bạn nên nhớ mang theo sạc điện thoại, máy ảnh, phích cắm đa năng... Trường hợp nếu không có phích cắm, bạn có thể yêu cầu nhân viên lễ tân khách sạn.

6. Một số loại thuốc thông dụng

Một số loại thuốc thông dụng như thuốc cảm, say tàu xe, thuốc trị các chứng đường tiêu hóa, dầu gió... rất cần thiết trong hành trang của bạn. Nếu mắc bệnh, bạn nên mang theo thuốc đặc trị vì ở nước ngoài, bạn không dễ dàng để mua được nếu không có đơn của bác sĩ.

7. Đồ ăn khô

Bạn có thể không ăn được đồ ăn của một số nước, vì vậy để tránh tình trạng bị đói, hãy chuẩn bị các loại đồ ăn khô như ruốc, mì tôm....

8. Vé máy bay, hộ chiếu

san-bay-6868-1406628290.jpg
Tuyệt đối không xách hộ hành lý của người không quen biết tại sân bay. Ảnh: Anh Phương

Vé máy bay, hộ chiếu nên cho vào một chiếc ví riêng để trong túi, tránh trường hợp bị thất lạc hoặc mất công tìm kiếm.

9. Ở sân bay

Hãy để ý đến các tấm bảng điện tử lớn được treo trên tường, nơi sẽ có thông tin đầy đủ về tên chuyến bay, tên hãng, giờ khởi hành cũng như quầy làm thủ tục. 

10. Chú ý hành lý

Bạn đừng nên trò chuyện thân mật với bất kỳ ai và tuyệt đối không nhận lời cầm hộ hành lý của người khác, bởi có thể trong đó có chất cấm và khi bị phát hiện, bạn sẽ là người chịu trách nhiệm.
Anh Phương


1 comment

Post a Comment

9 thay đổi ai cũng gặp khi ra nước ngoài quá lâu

0 comments
 Cuộc sống xa nhà và phải chuẩn bị tâm lý cho nhiều tình huống có thể xảy ra khiến trực giác bạn trở nên nhạy bén hơn hẳn. Ảnh: Nick M

Trực giác trở nên nhạy bén hay thấy quý giá từng giây phút bên gia đình là những thay đổi hầu như ai cũng gặp sau chuyến du lịch dài hơi trong đời.
 
Sau những chuyến du lịch, công tác hoặc du học ra nước ngoài kéo dài 3-6 tháng, đôi khi là vài năm, hầu như ai về cũng đều có những thay đổi như dưới đây.

Trực giác trở nên sắc bén

Nơi đất khách quê người, ý niệm về việc học hỏi cái mới và chịu trách nhiệm với mọi tình huống sắp xảy đến khiến trực giác bạn trở nên sắc bén hơn. Không giống ngày thường, các thói quen sinh hoạt cũ của bạn tạm thời bị cho vào quên lãng và thay bằng những suy nghĩ, thử thách mới.


Bắt đầu nói nhiều ngoại ngữ một lúc

Ở nước ngoài quá lâu, tới một thời điểm nào đó, bạn cũng dần hình thành phản xạ về ngôn ngữ với những người bản địa. Mỗi khi giao tiếp với họ trong đời sống hàng ngày là một lần bạn lại tiếp thu, học tập cũng như rèn luyện ngôn ngữ mới. 

Theo năm tháng và những vùng miền đã qua, vốn ngoại ngữ cũng dần tăng và trở nên tự nhiên khi giao tiếp.

Trở nên kiên nhẫn trong nhiều tình huống

Ra nước ngoài, đôi khi những công việc đơn giản như tìm tuyến xe buýt hay diễn tả chính xác ý muốn trong đầu lại là thử thách lớn với bạn. Nhiều người sẽ nhận thấy bản thân ngày một kiên nhẫn để học hỏi cái mới và bớt ngại ngùng tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

Cảm thấy bình thường với mọi lời khen

Trước đây, gặp bất cứ ai phiêu bạt hàng năm trời khắp bốn phương, bạn thường thấy ngưỡng mộ. Tuy vậy, khi trở thành một trong số họ, nhiều người bỗng nhận thấy những lời khen hay sự ngưỡng mộ hóa ra lại chỉ là yếu tố nhỏ bé.

Sau khi vượt qua hành trình dài, chúng chỉ còn có tác dụng 10% trong mỗi quyết định của bạn. Toàn bộ phần còn lại được tạo bởi chính bạn và những đam mê tự trỗi dậy trong lòng.


thay-doi-4-2570-1416393543.jpg
Sau khi đặt chân tới nhiều miền đất mới, bạn trở nên điềm tĩnh và cảm thấy mọi lời khen, tán dương về hành trình chỉ là yếu tố nhỏ bé.

Quý giá mọi giây phút với người thân

Ở phương xa, ngay cả một dòng email ngắn ngủi hay những tấm ảnh cập nhật trên mạng xã hội về tình hình người thân trong gia đình cũng làm bạn xúc động sâu sắc. 

Nghĩ về những bữa tiệc sinh nhật không có mình trong đó hay một số người thậm chí còn chưa kịp nói lời tạm biệt trước lúc xa nhà…, bạn bỗng muốn được quay ngược thời gian trong phút chốc và làm mọi điều tốt đẹp cho họ.

Học cách đấu tranh với nỗi nhớ nhà

Dù đến bất cứ nơi đâu đầy ắp nụ cười, niềm vui, sẽ có lúc bạn nghĩ về gia đình và cảm thấy nhớ da diết. Mỗi lần như vậy, bạn lại phải học cách xoa dịu bản thân và tiếp tục hành trình, hoặc chia sẻ nỗi nhớ nhà với người đồng hành.


thay-doi-2-4957-1416393543.jpg
Mỗi khi xem ảnh gia đình và đang ở nơi nào đó xa xôi, bạn sẽ có cảm giác nhớ người thân da diết. Ảnh: Youthvillage.co.za

"Nhà" chính là vali

Trong điều kiện thường xuyên di chuyển hay nơi ở không cố định, chiếc vali bỗng trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn với đầy đủ mọi thứ, từ quần áo, phụ kiện cho tới một loạt thứ lỉnh kỉnh khác. 

Mỗi khi mở vali, bạn bỗng thấy nhiều kỷ niệm in đậm trong từng món hành lý và luôn cảm thấy ấm áp khi bên chúng.

Khó khăn trong việc diễn đạt tiếng mẹ đẻ

Một số lữ khách cũng như du học sinh sống một thời gian dài ở nước ngoài, khi mới trở về thỉnh thoảng gặp vấn đề với chuyện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. 

Trong các cuộc trò chuyện với bạn bè, đôi khi phải mất một lúc họ mới kịp nghĩ ra từ ngữ muốn diễn đạt hay cần thêm thời gian để cập nhật những từ "lóng" mới xuất hiện.

Trở thành du khách ở chính quê nhà

Kết thúc chuyến đi, bạn trở về và nhận ra đã nhiều năm trôi qua với vô số thứ thay đổi. Bước ra phố, từng chi tiết trước mắt vừa thân quen nhưng cũng rất mực xa lạ. 

Chẳng hạn, những công trình, con đường mới bất ngờ mọc lên hay những ngôi nhà khi xưa đã bị dỡ bỏ. Tận hưởng cảm giác khám phá thành phố của chính mình sau nhiều năm đi xa cũng là trải nghiệm thú vị với nhiều người.
VnExpress/Trần Hằng (theo Mas Edimburgo)

Post a Comment

Tuesday, November 18, 2014

5 kiểu tắm kỳ lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến

0 comments
                                Một phòng tắm cát nóng tại Ibusuki, Nhật Bản

Bạn đã bao giờ tắm trong một bể rượu vang khổng lồ hay ngâm mình trong bồn tắm chứa đầy cà ri nóng hổi? 

Ở thành phố Ibusuki, Nhật Bản, tắm cát đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp thế giới. Với nguồn cát nóng tự nhiên, du khách tới đây có thể thưởng thức “đặc sản” này trong khoảng 10 phút, cát nóng giúp cơ thể giải thoát các chất độc tích tụ từ lâu qua đường mồ hôi.

 
5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
Hình ảnh thú vị về tắm cát
 


Tắm táo


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
 

1.300 trái táo được đổ vào một bồn tắm nước nóng để phục vụ du khách mỗi ngày. “Thú nghỉ dưỡng” mang phong cách hơi khó tin này đang được trung tâm spa Nagano Karuizawa, Nhật Bản áp dụng để thu hút thêm nhiều người lui tới đây. Mùi thơm từ táo chín hòa cùng dòng nước khoáng nóng dễ chịu, nhiều người không khỏi thích thú với dịch vụ này.


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
 

Tắm trong nước sốt cà-ri


Vẫn là ở đất nước Nhật Bản, tại thành phố Kanagawa, người dân thường lui tới một trung tâm tắm công cộng để được tắm trong “món nước sốt cà ri” nóng hổi. Ở nhiệt độ thích hợp, người ta cho rằng việc làm này giúp người tắm tăng cường lưu thông máu và bảo vệ làn da.


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
Du khách thích thú với bồn tắm chứa đầy cà ri nóng hổi
 

Tắm sô-cô-la tạo cơn sốt

Trong ngày lễ tình nhân ở nhiều nơi trên thế giới, lễ hội tắm trong sô-cô-la được tổ chức trong sự thích thú của mọi người, nhất là các cặp tình nhân.


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
Tắm sô-cô-la tại Nhật Bản


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
Sô-cô-la nay được biết đến với một tác dụng nữa ngoài ăn, đó là tắm.


Tắm rượu vang – thú vui của phụ nữ Nhật Bản thời xưa


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến
Một bể rượu vang khổng lồ được xây dựng vừa để uống, vừa để... tắm.

Câu chuyện đó có lẽ chỉ xuất hiện ở Nhật Bản. Bể rượu vang được giữ liên tục ở nhiệt độ 37 độ C. Mỗi năm, bể bơi đặc biệt này chỉ phục vụ đúng 12 lần. Chính điều ấy đã làm cho dịch vụ thú vị này trở nên hiếm có và rất "ăn khách" ở đây.


5 kiểu tắm kì lạ tại Nhật Bản ít ai biết đến

Theo Tiin.vn



Post a Comment

Monday, November 3, 2014

Một vòng khám phá các phố ăn chay ở Huế

0 comments
 Đồ chay ở Huế không chỉ phong phú mà còn cầu kỳ về cách bài trí. Ảnh: Foody

Không chỉ ở các đền, chùa vào ngày rằm, mùng một, mà ngay cả ngày thường và tại các quán hàng ở Huế, du khách đều có thể thưởng thức các món ăn chay.
Có lẽ ít nơi nào trên cả nước mà các món ăn chay lại phổ biến như ở Huế. Vào những ngày lễ như rằm, mùng một, Phật đản…, du khách có dịp ghé vào một trong hàng trăm ngôi chùa ở Huế sẽ được thưởng thức cỗ chay mà nhà chùa chuẩn bị mời phật tử bốn phương đến hành hương, chiêm bái.

Cỗ chay không chỉ xuất hiện ở hầu khắp các chùa chiền mà còn có mặt ở cả các gia đình người Huế. Các món ăn chay có thể được chuẩn bị cho mâm cỗ cúng giỗ, cúng rằm, đầu tháng nhưng cũng có khi đơn giản chỉ là bữa cơm đạm bạc hàng ngày. Họ tự nấu các món chay cho gia đình và mời bạn bè để thể hiện sự quý mến cũng như tấm thiện tình.


Với du khách đến Huế, khám phá ẩm thực chay trên các con phố ở kinh thành xưa là một trải nghiệm không thể bỏ qua. Bạn sẽ khó có thể tìm thấy ở đâu mà thực đơn chay lại phong phú và hấp dẫn như ở đây, từ cơm chay, bún chay… cho đến đùi gà chay, cá chay, giò chay… 

So với thực đơn món mặn, đồ ăn chay không hề thua kém, mà còn được ưu ái hơn do ít chất béo mà vẫn thơm ngon, đẹp mắt.
Với nhiều món ăn chay độc đáo, các quán tên gọi Bồ Đề, Liên Hoa, Tịnh Tâm, An Lạc, Tịnh Bình... ở bờ nam sông Hương trên đường Phạm Ngũ Lão, Đội Cung, Bà Triệu, Nguyễn Công Trứ… là những địa chỉ được nhiều du khách tìm đến.

Ở đây, thực khách có thể đủ các món sơn hào hải vị từ nem công, chả phượng, giò lụa, thịt gà đến tôm hùm, cá rán… nhưng điều thú vị là tất cả đều được chế biến từ rau, củ, quả, đậu, nấm, măng khô. 

Dưới bàn tay khéo léo của người dân xứ Huế, chuối mật giã nhỏ trộn với bí đao hột lựu, hấp lá chuối có thể trở thành “chả lụa”, khoai lang bọc vỏ đậu xanh chiên vàng có thể thành “sườn rán”… Rất tài tình khi các món ăn chay đều có sự tương đồng từ màu sắc đến hương vị so với món mặn mà phải ăn chậm, nhai lâu với có thể phát hiện ra.

beforeitsnews-5336-1392621441.jpg
Bánh bột lọc chay ở Huế. Ảnh: beforeitsnews

Dân dã hơn, bạn có thể tìm đến các quán chay dọc bờ bắc sông Hương và vòng quanh đại nội. Tuy không cầu kỳ, bày vẽ như ở các nhà hàng nhưng các món chay ở đây vẫn rất ngon và lạ miệng, giá cả lại bình dân với bún, cháo, cơm, bánh canh, bánh bột lọc, bánh nậm...

Các món quen thuộc như bánh bèo, bánh lọc, bánh ít… với nhân chay cũng được phục vụ tại các khu chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu vào những ngày rằm, mùng một cho thực khách muốn thanh đạm dạ dày. Chỉ 5.000 – 15.000 đồng/suất mà vị nào cũng ngon, món nào cũng hấp dẫn, ăn no mà không ngán.

Nếu chịu khó đi về phía tây Huế, du khách sẽ đến với khu phố “chùa chiền”. Dọc theo các tuyến phố từ Phan Bội Châu, Điện Biên Phủ đến Thuỷ Xuân, quán chay mọc lên san sát. Tuy chỉ là những sạp hàng nhỏ nhưng mỗi quán ở đây vẫn bày bán hàng chục món chay khác nhau và phục vụ theo kiểu “buffet” mà giá chỉ 5.000 – 7.000 đồng/món.

kenhdulichhue-4485-1392621441.jpg
Thực đơn chay phong phu để khách hàng lựa chọn. Ảnh: kenhdulichhue

Không chỉ là nơi có nhiều món ăn chay mà việc nấu đồ ăn chay ở Huế từ lâu đã trở thành nghệ thuật, không thua kém ẩm thực cung đình. Nếu có dịp đến Huế, đừng quên ghé các con phố ăn chay để thưởng thức một phần ẩm thực hết sức thú vị và cuốn hút của sông Hương.
VnExpress/Vy An



Post a Comment

Cuối tuần thư thái với quán chay ngon ở Hà Nội

0 comments
                                 Một phần cơm ở đây có giá khoảng 30.000 đồng. Ảnh: Diệu Huyền

Thưởng thức cơm chay trong không gian đậm chất nghệ thuật ở Trúc Lâm Trai hay nhẹ nhàng ở Hoa Linh là gợi ý hay cho bạn và những người thân.


Ăn chay lâu nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Hình thức này không chỉ giúp thanh sạch cơ thể mà còn tạo sự thư thái. Một ngày nào đó, khi cảm thấy chán ngán với các món ăn chế biến từ thịt, cá, bạn hãy đổi vị bằng đồ chay. Dưới đây là một số gợi ý tại Hà Nội bạn có thể ghé qua.

Cơm chay Hoa Linh

Nằm sâu trong ngõ 71 - phố Linh Lang là quán cơm chay nhỏ với tên gọi Hoa Linh. Ngay ngoài cửa là tấm biển hiệu nâu vàng, đơn giản nhưng ấm áp và tạo cảm giác dễ chịu cho thực khách. Từ vị trí này, bạn có thể ngắm bao quát nội thất và cách bài trí bên trong. 

Thực đơn cơm chay Hoa Linh khá phong phú. Dù chỉ sử dụng các nguyên liệu như rau, nấm, đậu..., các món ăn nơi đây được chế biến rất cầu kỳ. Nếu đi một mình, bạn có thể gọi phần cơm suất giá 30.000 đồng một đĩa. Còn tụ tập cùng bạn bè hay gia đình, một số món khác nhau như chả, đậu phụ lướt ván là gợi ý hay.

Cơm chay ở đây nấu vừa vặn và dễ chiều lòng cả người khó tính. Trong lúc chờ thức ăn, bạn còn được nghe những bản nhạc thiền hay chơi cùng chú chó trắng đáng yêu và thân thiện ở quán.

Cơm chay Khải Tường

Phố Kim Mã tập trung nhiều quán ăn ngon và một trong số đó là hàng cơm chay Khải Tường tại số 112. Vì nằm xen giữa những tiệm ăn Nhật và quán cà phê, phải thật tinh ý thực khách mới thấy biển hiệu nơi đây.

 ơm chay Khải Tường chỉ có một tầng nhưng rộng rãi, thoáng mát, bao gồm 2 gian cho bạn lựa chọn. Gian ngoài bày bàn ghế gỗ cao còn gian trong lại ngồi nệm với bàn thấp. Hướng bài trí chung toàn bộ quán là tối giản nhưng tinh tế, tạo cảm giác thoải mái nhất cho thực khách.

Vốn nổi tiếng với các món từ nấm, khi tới đây, bạn có thể nếm thử cháo nấm, lẩu nấm, súp nấm... Ngoài ra, thực đơn còn nhiều món khác như bún xào, phở măng, canh cải nấu gừng, cơm rang rong biển... để phục vụ mọi nhu cầu thực khách.

Trúc Lâm Trai

Không chỉ là quán chay thông thường, Trúc Lâm Trai còn là nơi tĩnh tâm, phù hợp những người muốn giấu mình trong không gian yên bình. Quán nhỏ nằm số 39 - Lê Ngọc Hân, Hà Nội.

Com-chay-3-5448-1414742912.jpg
Cơm chay ở Trúc Lâm Trai được chế biến cầu kỳ. Ảnh: Diệu Huyền

Thực đơn nơi đây được chọn lọc kỹ lưỡng và chế biến cầu kỳ. Từ khai vị đến món chính và tráng miệng, thực khách luôn có cảm giác ngon miệng, no bụng. 

Bạn có thể nếm thử súp thập cẩm đặc biệt để cảm nhận vị lạ từ các loại rau củ hay uống nước gạo lứt - được xem là đặc sản tại Trúc Lâm Trai.

Hẹn nhau vào tối cuối tuần và thư thái tận hưởng từng miếng ngon trong không gian đầy tính nghệ thuật của Phật giáo, bạn sẽ thấy nhiều cảm giác và trải nghiệm khác biệt.

Nàng Tấm

Nàng Tấm là quán cơm chay đầu tiên của Hà Nội, hiện nằm ở số 79A - Trần Hưng Đạo. Dù tọa lạc trên con phố sầm uất, nơi đây dường như không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào bên ngoài. Lý do chính có lẽ nhờ vị trí ẩn sâu trong ngõ nhỏ, thực khách tới phải gửi xe và đi bộ thêm một đoạn.

Nang-Tam-3674-1414742912.jpg
Mức giá tại cơm chay Nàng Tấm có thể cao hơn so với mặt bằng chung. Ảnh: nangtam

Ra đời từ khá sớm (năm 1995), nơi đây hầu như được rất nhiều người biết tới, đóng góp phần không nhỏ là khách quốc tế. Do vậy, bạn khó tìm sự bình yên như các quán cơm chay thường thấy.

Tuy nhiên, đừng để lý do này làm bạn bỏ ý định đặt chân tới quán bởi thực đơn của Nàng Tấm được đánh giá khá tốt. 

Cách chế biến, trang trí khéo léo dễ làm hài lòng số đông thực khách. Đây cũng được xem là điểm hẹn giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau do bạn có nhiều cơ hội trò chuyện cùng những vị khách ngoại quốc ngồi bên cạnh.

Homefood

quan-chay-1625-1414811163.jpg
Ngoài ăn uống, bạn có thể mua sắm thêm quà tại Homefood. Ảnh: Homefood

Màu sắc tươi tắn, không gian thoáng đãng và trẻ trung là cảm nhận của nhiều người khi tới Homefood ở 26 - Trần Bình Trọng. Đi theo phong cách hiện đại, nơi đây trở nên khác biệt so với những quán ăn mang hơi hướng nhẹ nhàng, yên bình khác. Vì lẽ này, Homefood chủ yếu được giới trẻ ưa chuộng.

Quán có thực đơn phong phú và đa dạng với cách lựa chọn nguyên liệu cầu kỳ. Nhiều người còn ví nơi đây như con thuyền chở đầy những món tươi ngon. Bạn có thể chọn một số món đặc trưng tại quán như chả chiên, nem chay và mua thêm trà gạo lứt, vừng đồi Hà Giang về làm quà.
Diệu Huyền/VnExpress


Post a Comment

Quà tặng Việt độc đáo cho du khách nước ngoài

0 comments
               Tranh Đông Hồ là món quà thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam


Tặng quà cho người nước ngoài không khó. Tuy nhiên, việc chọn món quà nào vừa tinh tế, vừa đặc trưng cho Việt Nam và giá cả hợp lý lại là mối băn khoăn của khá nhiều người.
 
Dưới đây là 4 món quà lưu niệm độc đáo của Việt Nam được nhiều du khách quốc tế ưa thích.
Tranh khắc gỗ dân gian.

Tranh Đông Hồ

Tranh khắc gỗ dân gian hay còn gọi là tranh Đông Hồ là một sản phẩm nghệ thuật độc đáo và cầu kỳ trong các thể loại tranh. Từ nội dung đến chất liệu làm nên một tác phẩm nghệ thuật cũng đầy công phu. 

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, yếu tố dân gian của tranh còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như màu đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang), được in vẽ hoàn thiện trên giấy dó.
 
Hiện nay, ngoài các bức tranh, người ta còn sáng tạo thêm những sản phẩm như sổ tay làm bằng chính chất liệu giấy dó có hình tranh dân gian, rất nhỏ gọn trong việc chuyển ra nước ngoài. Những sản phẩm từ dòng tranh này khá được các bạn nước ngoài ưa chuộng, bởi lẽ nó phác họa được một cách độc đáo nét văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Nón lá

Cùng với áo dài, nón lá là một biểu tượng của thời trang Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. Dường như nó là vật không thể thiếu khi ai muốn tìm hiểu về văn hoá, thời trang của Việt Nam. Việc tặng cho bạn bè nước ngoài một chiếc nón lá nhỏ xinh cũng là điều hợp lý. Nón không chỉ để đội, mang theo, mà còn dùng cho trang trí nhà cửa, treo tường.


Non-la-4486-1414549677.jpg
Nón lá, nét tinh tế của văn hóa và thời trang Việt Nam.


Gốm sứ truyền thống

Đây được xem là món quà thể hiện niềm tự hào của người Việt. Lớp đất trắng mịn màng và sạch, không gợn cặn chính là đặc điểm đầu tiên tạo nên sự tinh xảo của gốm. Tiếp theo, đó là tay nghề điêu luyện cộng với sự chuyên tâm của các nghệ nhân trong từng khâu như: chọn đất, xử lý, pha chế đất đến tạo dáng sản phẩm, trang trí hoa văn.


Gom-su-truyen-thong-2489-1414550562.jpg


Gốm sứ là một mặt hàng đa dạng về chủng loại nên có rất nhiều lựa chọn cho người mua làm quà.
Các hoa văn được sử dụng nhiều trong gốm sứ là rồng phượng, tùng - cúc - trúc - mai, chim muông, cây cảnh hoa lá, phản ảnh đời sống tâm linh cũng như cuộc sống đời thường của người dân Việt. Ngoài các đồ dùng, vật dụng hay trưng bày, còn có những bức tranh gốm vô cùng tinh xảo và nghệ thuật. Bạn có thể lựa chọn để tặng nếu không ngại vận chuyển nặng hay quá cân.

Thực phẩm khô Hà Nội

Một món quà khác mà người nước ngoài đặc biệt ưa thích là các món ăn vặt ở Hà Nội, nhưng phải để được lâu và có thể nhấm nháp dài ngày. Những loại trái cây đã được sấy khô như mít, chuối, dừa, hạt sen hay ô mai đều là các lựa chọn hàng đầu.


O-mai-duoc-xem-la-mot-trong-nh-2775-2584
Ô mai là món quà nhỏ gọn mà gói ghém được cả hồn vị Hà Nội.
VnExpress/Hồng Giang
Ảnh: Hà Nội Phố




Post a Comment

8 sai lầm phổ biến trong lần đầu du lịch

0 comments
 Sự chuẩn bị quá kỹ đôi khi là nguyên nhân khiến bạn dở khóc dở cười trong chuyến phượt lần đầu. Ảnh: Buzznet

Do chưa nhiều kinh nghiệm, những người lần đầu đến vùng đất mới thường gặp phải một số vấn đề như chuẩn bị lịch trình quá dày đặc, mang thừa đồ hay luôn lo lắng, sợ hãi về chuyện an ninh.

 Nỗi sợ mơ hồ về việc sắp đến miền đất mới lạ thường tạo cảm giác không chắc chắn và đầy hoài nghi, lo lắng. Để tự trấn an, nhiều người thường cố gắng chuẩn bị hành lý thật đầy đủ, phòng trường hợp xấu nhất. Dù vậy, sự kỹ càng đôi khi lại là nguyên nhân khiến bạn rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến hầu như người nào mới đi du lịch cũng gặp.


1. Lên lịch trình quá dày

Khi chuẩn bị khám phá vùng đất mới, ai cũng có xu hướng lên kế hoạch chi tiết về lịch trình trong ngày. Việc chuẩn bị danh sách điểm đến cụ thể là điều tốt. Nhưng vì chưa nhiều kinh nghiệm và đôi khi cộng thêm cả chút “tham lam”, hầu hết các du khách đều phải bỏ lỡ một vài điểm đã có trong kế hoạch từ trước hoặc rơi vào trạng thái bối rối, không biết chọn nơi nào để tranh thủ ghé thăm.

2. Mua tour quá tay

Khi không tự lên kế hoạch, để an toàn hơn, một số người thường chọn cách mua tour. Về cơ bản, chuyện mua tour cũng là gợi ý hay. Nhưng cũng vì điều này, cảm giác khám phá và tìm kiếm trải nghiệm mới gần như chẳng còn.

3. Chọn bạn đồng hành vào phút cuối

Cảm giác bất an về việc đi du lịch một mình thường làm một số người nhanh chóng chấp nhận bất cứ ai muốn tham gia hành trình ngay sát thời điểm lên đường. Yếu tố này có thể làm bạn thất vọng vì gặp xích mích với người đi cùng do không hợp tính nhau. Lời khuyên là bạn hãy “kêu gọi” bạn bè từ trước, tìm kiếm đối tác và chỉ nên đi cùng người tâm đầu ý hợp.

4. Chuẩn bị quá nhiều đồ lặt vặt

Hầu hết các du khách đều không biết mình có thể mua thêm khá nhiều đồ hữu ích lặt vặt trên đường đi như quần áo mới hay thậm chí là cả khóa an toàn. Thay vào đó, họ tự chuẩn bị từ nhà với tâm lý “thừa còn hơn thiếu”. Thực tế là khi chưa thực sự cần, bạn có thể cân nhắc để lại. Ở nhiều nơi, những món đồ như vậy thậm chí còn dễ mua và rẻ hơn so với quê nhà.


travel-first-time-2-1586-1414996848.jpg
Nếu không có sự chọn lựa về người đồng hành, bạn dễ bị mất vui vì những xích mích nhỏ do không hợp tính nhau. Ảnh: Lonelyplanet
 
5. Mang khăn tắm

Khi thuê phòng khách sạn, bạn sẽ được trang bị khăn bông tắm và có thể dùng xuống bể bơi hoặc ra biển. Những người lần đầu đi du lịch thường cố gắng mang khăn bông mà không tính tới chuyện nó có thể làm nặng và tốn diện tích hành lý. Trường hợp này, bạn chỉ nên mang một chiếc khăn tắm mỏng, nhẹ hoặc mua trên đường đi nếu thấy thực sự cần thiết.

6. Sợ mất trộm
 
Trước chuyến đi, hầu như ai cũng lo chuyện bị trộm cắp trên đường. Sự thiếu kinh nghiệm về điểm đến và những lời cảnh báo trên mọi phương tiện truyền thông càng làm họ bối rối. Thực tế, chuyện trộm cắp đúng là dễ xảy ra, nhưng thay vì lo nghĩ, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát. Cách tốt nhất để tránh bị móc túi là đừng đem theo đồ giá trị suốt chuyến đi. Những giấy tờ tùy thân có thể gói nhỏ và luôn giấu kỹ trong người.

7. Lo bị ốm hoặc gặp tai nạn

Sức khỏe thường là phần quan trọng nhất trong mỗi chuyến đi. Nhưng nếu cứ lo lắng nguy cơ bị ốm hay xảy ra tai nạn nào đó, bạn sẽ mất cảm giác thú vị khi du lịch. Cũng tương tự chuyện đề phòng mất trộm, vấn đề sức khỏe là điều bạn có thể kiểm soát được.

Chẳng hạn khi biết bản thân dễ gặp các sự cố về hô hấp do thay đổi thời tiết, bạn nên chủ động chuẩn bị thêm một chiếc khăn quàng cổ. Trường hợp hệ tiêu hóa không thực sự tốt, bạn càn tránh thử các món ăn đường phố hấp dẫn bày bán trên vỉa hè.

8. Kỳ vọng ngày nào cũng sôi động

Một hành trình du lịch cũng giống như thời tiết, sẽ có ngày mưa và ngày nắng. Điều này thể hiện rõ nhất với những ai phượt một mình. Quá nhiều kỳ vọng về sự bất ngờ gặp trên đường có thể làm du khách hụt hẫng khi chúng không xảy ra.

Đôi khi bạn cảm thấy cô đơn, trái ngược hẳn với những gì được nghe mô tả như “sẽ gặp nhiều người và có đầy kỷ niệm đáng nhớ”. Dù vậy, một chút cô đơn trên đường phượt cũng là điều thú vị. Bạn cũng có thể mắc vài sai lầm, quan trọng là chúng giúp bạn trưởng thành và sẵn sàng cho những chuyến đi trong tương lai. 
VnExpress/Trần Hằng (theo Travemonkey)



Post a Comment

Saturday, November 1, 2014

Săn vé máy bay giá rẻ đâu khó!

0 comments


Săn vé máy bay giá rẻ hoàn toàn không khó nếu bạn may mắn và nắm vững 8 bí quyết sau đây.

Ngày càng nhiều người Việt trẻ hạn hẹp về tài chính được thoải mái đi du lịch qua đường hàng không nhờ vé máy bay giá rẻ. Chỉ cần một chút may mắn, chịu khó canh thời điểm hãng tung vé bạn có thể kịp thời "chộp" được vé rẻ bất ngờ.

Nhưng trước hết, bạn cần thuộc nằm lòng 8 bí quyết săn vé máy bay giá rẻ sau đây:

1. Bạn cần có thẻ ATM đăng ký chế độ thanh toán qua internet hoặc thẻ Visa, Master.

2. Vé rẻ, vé khuyến mãi thông thường là các loại vé không cho phép đổi tên, hủy vé và hoàn trả trong bất kỳ trường hợp nào. 

Bạn được phép đổi ngày bay nhưng phải trả thêm phí  thay đổi và chênh lệch giá vé tại thời điểm đó.

Đừng mờ mắt vì giá vé quá rẻ mà hãy cẩn trọng điền đúng các thông tin cá nhân và kiểm tra số tiền thanh toán trước khi xác nhận mua.


Nhiều người trẻ có cơ hội du lịch thường xuyên nhờ vào vé giá rẻ. Ảnh minh họa Internet
Nhiều người trẻ có cơ hội du lịch thường xuyên nhờ vào vé giá rẻ. Ảnh minh họa Internet

3. Khi mua vé cho một nhóm người, bạn không nên mua hành lý gộp chung cho cả nhóm. Bởi trong trường hợp người đứng tên trên vé hành lý vì lý do nào đó bỏ chuyến, sẽ mất luôn số hành lý mà các bạn dự tính mua cho đoàn.

Trước khi khởi hành khoảng 1 ngày, bạn hãy kiểm lại số người tham gia chuyến đi rồi quyết định có mua thêm hành lý hay không.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

4. Trong quá trình đặt vé, chú ý gỡ bỏ các lựa chọn mặc định mà các hãng bay hay chủ định đưa vào như hành lý mua thêm, bảo hiểm, chọn chỗ ngồi, đồ ăn… để tiết kiệm thêm chi phí nếu bạn không có nhu cầu.

5. Rất khó để mua vé rẻ cùng lúc cho một nhóm quá đông bởi bạn phải nhập nhiều thao tác mất thời gian dẫn đến vuột mất cơ hội mua vé.

6. Các chi tiết như email, số điện thoại liên lạc cần phải khai báo chính xác để khi có bất kỳ thay đổi nào từ hãng, bạn sẽ nhận được thông tin khuyến cáo. 

Đặc biệt, các hãng hàng không giá rẻ thường thay đổi giờ bay và gửi xác nhận cho bạn bằng tin nhắn điện thoại.

Hay nhất, trước khi khởi hành 1-2 ngày, bạn nên dùng mã đặt chỗ vào trang web của hãng tra cứu lại giờ bay để có phương án ứng xử phù hợp.

7. Làm thủ tục check in trực tuyến trước chuyến bay trong một khoảng thời gian nhất định (tùy từng hãng hàng không) sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian làm thủ tục tại sân bay.

8. Chú ý các chuyến bay vé rẻ thường khởi hành vào lúc đêm khuya hoặc sáng sớm. Hãy sắp xếp thời gian ra sân bay và cân nhắc các thiệt hại kèm theo khi  sử dụng dịch vụ giá rẻ để xem có phù hợp với lộ trình và sở thích của mình không.

Chóng mặt vì vé rẻ

- Vietjet Air đang tung vé rẻ 9.000 đồng từ 12 giờ - 14 giờ mỗi ngày.

- Vietnam Airlines bán vé rẻ nội địa từ 30-10 đến 13-11-2014, khởi hành: 1-11 đến 30-12-2014.

TP HCM - Nha Trang: 399.000 VNĐ/chiều; TP HCM - Huế, Hà Nội - Chu Lai: 499.000 VNĐ/chiều; TP HCM - Vinh, Hà Nội - Tuy Hòa/Quy Nhơn/Cần Thơ: 999.000 VNĐ/chiều; Hà Nội - Đà Lạt, TP HCM - Thanh Hóa/Hải Phòng: 1.099.000 đồng/chiều.
A.Nhiên/Người Lao Động


Post a Comment

Quy tắc về tiền tip ở các nước

0 comments


Hiểu về 'luật ngầm' trong việc tip cho phục vụ, bồi bàn hay lái xe tại các quốc gia trên thế giới có thể giúp bạn dễ cư xử hơn khi đi du lịch.

Quy tắc tiền tip ở mỗi quốc gia trên thế giới đều khác nhau, có nơi "tùy tâm" khách hàng nhưng cũng có nơi cộng luôn số tiền đó vào hóa đơn ăn uống tại nhà hàng. 

Trang Cntraveler đã tổng hợp những quy tắc về tiền tip ở một số quốc gia, nhằm giúp du khách trang bị thêm kiến thức khi ra nước ngoài.

Ai Cập

Tại đất nước Kim Tự Tháp, tiền tip thường được cộng luôn vào trong hóa đơn, từ 5-10% tại các nhà hàng. Ở khách sạn, cứ một túi đồ bạn nhờ khuân vác hộ sẽ có giá tip là 1 USD. 

Với những người giữ cửa, bạn nên tip 10-20 USD ngay từ ngày đầu tiên của kỳ nghỉ và chắc chắn bạn sẽ được đối xử như một ông hoàng và "giá" cho hướng dẫn viên du lịch là 20 USD/ngày. Tại đây bạn có thể tip bằng USD, tuy nhiên họ vẫn thích được "tặng" trực tiếp bằng tiền nội địa hơn.

Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất

Tiền tip thường được cộng 10% vào trong hóa đơn của nhà hàng, khách sạn hay quán bar. Những người lái xe và khuân vác ở Dubai thường được nhận 10 Dirham.

Nam Phi

Tiền tip cho bồi bàn thường từ 10-15% hóa đơn. Đối với người khuôn vác đồ hộ bạn trong khách sạn, giá của mỗi túi đồ là 1 USD, 3-5 USD cho người canh cửa. Lái xe taxi sẽ được tip thêm 10% so với hóa đơn còn hướng dẫn viên du lịch là 10 USD/ngày.

Brazil

Tại nước chủ nhà World Cup 2014, tại các nhà hàng tiền tip sẽ được cộng thêm vào hóa đơn và có giá trị 10%. Đối với người vác đồ, bạn sẽ mất 2 USD/túi đồ và tiền tip cho hướng dẫn viên du lịch là 20-50 USD/ngày. Người dân nơi đây rất thích được boa bằng đồng USD.

Canada

Tiền tip sẽ không được cộng luôn trong hóa đơn khi bạn đến ăn ở nhà hàng. Vì vậy, hãy boa cho bồi bàn số tiền trị giá 15-20% hóa đơn thanh toán. Tại khách sạn, mỗi người khuân vác thường nhận được tiền boa là 1-2 USD/túi đồ. Nên lưu ý, người Canada chấp nhận đồng USD nhưng đó phải là tiền giấy chứ không phải là tiền xu.

Mexico

Tại nhà hàng, tiền boa sẽ là 10-15% số tiền bạn thanh toán trong hóa đơn. Về đến khách sạn, bạn nên cám ơn những người khuân đồ giúp mình 10-20 peso/túi đồ và 50-150 peso/ngày đối với các hướng dẫn viên du lịch. Khi đưa tiền tip, bạn hãy nhớ đưa thật kín đáo.


tip-4848-1401263203.jpg
Ở một số nước, tiền tip được coi như là một nét văn hóa trong ứng xử. Ảnh: Peditioner.

Australia/New Zeland

Bạn sẽ mất khoảng 10-15% tiền tip cho bồi bàn khi đi ăn ở nhà hàng, 50 USD/ngày cho hướng dẫn viên du lịch riêng, 5-10 USD/ngày cho lái xe tour và 20 USD/ngày cho lái xe riêng. Đồng USD được miễn cưỡng chấp nhận tại đây khi bạn boa.

Campuchia

Khi bạn đến đất nước chùa tháp, giá tip cho bồi bàn chỉ khoảng 1 USD/bữa ăn., 1-2 USD/ túi đồ nhờ người khuân vác hộ, 10-20 USD/ hướng dẫn viên du lịch. Đối với lái xe taxi, bạn chỉ cần boa thêm cho họ 1 USD.

Ấn Độ

Tiền tip khi đi ăn ở nhà hàng khá cao, 15% cho bồi bàn. Tuy nhiên hiện nay tại nhiều cửa hàng sang trọng, số tiền tip này đã giảm xuống còn 10% và nằm luôn trong hóa đơn.

Tại khách sạn, bạn chỉ mất 50 rupees cho một túi đồ khi nhờ khuân vác và 50-100 rupees/ngày cho lái xe. Đồng USD được chấp nhận tại đây nhưng nhiều người thích được trả bằng tiền nội địa hơn.

Indonesia

Tại nhà hàng, du khách sẽ mất ít nhất 10% tiền tip và số tiền này được tính luôn vào trong hóa đơn. Tại khách sạn, tiền tip đã được tính luôn vào hóa đơn nên bạn không nhất thiết phải boa thêm cho người khuân đồ.

Nhật Bản

Tại một số nơi, bạn sẽ bị coi là khinh người nếu tặng thêm tiền cho lái xe trên taxi, nhân viên phục vụ trong nhà hàng hay lúc được người khác chăm sóc. 

Bạn cũng không cần quáy áy náy khi thấy được phục vụ nhiệt tình mà không 'boa' thêm cho nhân viên vì trong dịch vụ bạn yêu cầu đã bao gồm khoản tiền trên. Nếu đưa tiền tip, hãy bỏ vào phong bì và gửi họ một cách tế nhị.


30-209f7-3060-1401263203.jpg
Khi đến Nhật, bạn không cần phải đưa thêm tiền tip. Ảnh: Internet.
 
Malaysia

Tại nhà hàng, bạn sẽ "được" cộng 10% tiền tip vào trong hóa đơn, còn tiền tip tại khách sạn là không bắt buộc. Bạn có thể hào phóng boa thêm cho người khuân đồ giúp mình nhưng cũng có thể từ chối.

Philippines

Tại các nhà hàng, bạn hãy kiểm tra lại hóa đơn trước khi trả tiền. Nếu trong hóa đơn đã gồm tiền tip, bạn có thể để thêm 1-2 USD cho bồi bàn. Còn nếu nhà hàng chưa tính tiền tip cho bạn, du khách có thể để lại sô tiền tương ứng từ 10-15% hóa đơn.

Singapore

Tại đây, tiền tip được tính luôn vào trong hóa đơn nhà hàng. Nếu hóa đơn không có tiền tip, du khách có thể để lại một ít tiền lẻ cho bồi bàn. Tuy nhiên tất cả các nhân viên khách sạn và nhà hàng đều không bắt buộc du khách phải boa tiền, nên bạn có thể tip "tùy tâm" hoặc là không.

Thái Lan

Tại nhà hàng, bạn hãy boa thêm cho bồi bàn 1 USD/bữa ăn, 1-2 USD/túi đồ cho người khuân vác, 1 USD cho người lái taxi và 2 USD/giờ cho lái xe riêng. 10-20 USD/hướng dẫn viên du lịch.


1-5627-1401263203.jpg
Mỗi bữa ăn tại nhà hàng Thái Lan, du khách chỉ cần boa thêm 1 USD cho bồi bàn. Ảnh: Internet.
 
Hàn Quốc

Văn hóa Hàn Quốc không có khái niệm về "tiền boa". Vì vậy nếu bạn cảm thấy hài lòng vì dịch vụ, bạn có thể boa thêm cho nhân viên. Nhưng nếu không, bạn có thể vô tư cất ví đi mà không sợ bị xì xầm.
Anh Minh/VnExpress


Post a Comment

du lịch và mức tiền tip tương ứng

0 comments


Nên tip 2 đến 3 USD cho người xách vali trong khách sạn, một đến 5 USD cho anh chàng giữ cửa và cũng chừng đó tiền mỗi ngày cho người dọn phòng.  

Chắc hẳn đôi lần bạn lúng túng không biết phải để lại tiền tip bao nhiêu sau khi dùng xong bữa tối hoặc một USD trên bàn cho người dọn phòng liệu có quá ít không?

Hãy bỏ túi những tình huống cụ thể tương ứng với mức tiền tip dưới đây để sử dụng khi cần.

Tại khách sạn

Thomas Farley, một chuyên gia nghiên cứu về ứng xử đã đưa ra những khung tiền tip đa dạng khi vào khách sạn. Mức tiền tip này cũng có thể thay đổi cao hơn tùy thuộc vào sự sang trọng của khách sạn.
Người khuân vác hành lý: 2 đến 3 USD mỗi túi.

Vệ sinh toilet, thay khăn tắm: 2 USD

Người giữ cửa nếu họ bắt taxi giúp: 1 đến 5 USD

Nhân viên chăm sóc khách hàng đáp ứng tốt yêu cầu: 5 đến 25 USD tùy độ khó của yêu cầu đưa ra.
Nhân viên buồng phòng: 1 đến 5 USD một ngày

Constance Hoffman, huấn luyện viên về các nghi thức xã hội và kinh doanh, nói thêm: "Đừng bao giờ để tiền tip trên bàn đầu giường vì nó gợi lên ý nghĩa về tình dục, tình một đêm.

Thay vào đó, hãy để tiền trên bàn giấy hoặc cái kệ nào đó". Ngoài ra, người dọn phòng thường thay đổi mỗi ngày theo ca, do đó bạn cũng nên lưu ý tip mỗi ngày để ai làm việc hôm đó sẽ nhận được phần của họ.

Tại nhà hàng

Mức tiền tip trong nhà hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào việc bạn được chăm sóc chu đáo ra sao, chẳng hạn khi gọi món, lúc thưởng thức và tính tiền, người phục vụ đáp ứng khéo léo hay nhăn nhó.

Dựa vào thái độ phục vụ, bạn sẽ đưa ra mức tiền tip tương ứng. Đừng tip dựa trên chất lượng món ăn, người phục vụ không thể chịu trách nhiệm thay cho đầu bếp.

Nhân viên phục vụ: 13% đến 20% hóa đơn
Trường hợp bạn có một bữa tiệc nhỏ vào thời điểm các nhân viên vẫn phải phục vụ vị khách khác, hãy tip gấp đôi. Hoffman nói rằng bạn phải luôn để lại khoản tiền tip dù phục vụ không mấy tốt, bởi lẽ các nhân viên thường sẽ chia phần tiền đó ra cùng nhau.

Tại sân bay

Khi bạn đi du lịch, câu hỏi tip bao nhiêu là đủ có thể khiến bạn đau đầu. Patricia Rossi, một chuyên gia về nghi thức trong kinh doanh đã liệt kê một số mức tiền tip.

Nhân viên mang hành lý sân bay: 1 đến 2 USD mỗi túi, nhiều hơn với những túi nặng ký.

Taxi: 15% giá tiền

Tại tiệm làm đầu

Thợ cắt tóc: 10% đến 12%

Làm móng hoặc đắp mặt: 15%

Thợ cạo râu: 2 đến 3 USD
Tường Ý/VnExpress


Post a Comment

Friday, October 31, 2014

Top 10 sân bay tốt nhất để hành khách có thể “giết thời gian”

0 comments
                                 Sân bay Changi của Singapore. (Nguồn: AFP)

Trang web Sleeping In Airport vừa đưa ra một danh sách các sân bay tốt nhất giúp hành khách có thể "giết thời gian" trong khi chờ đợi tới chuyến bay như nằm ngủ, vật lý trị liệu, thâm chí là đi bơi.
 
Bảng xếp hạng này dựa trên một cuộc điều tra hằng năm để lấy ý kiến các hành khách về chất lượng sân bay, cụ thể là về sự thoải mái, tiện nghi, sạch sẽ và dịch vụ khách hàng.

Các sân bay châu Á chiếm đa số trong danh sách này với 5/10 vị trí đứng đầu. Sân bay Changi của Singapore, nơi thường xuyên nhân được các giải thưởng được xếp đầu bảng với danh hiệu sân bay tốt nhất.

Sân bay Changi không chỉ đơn thuần là một điểm trung chuyển mà đã phát triển danh tiếng như một điểm đến thực thụ, với các spa chăm sóc sắc đẹp, bể bơi trên mái nhà, vườn cây, rạp chiếu phim… cùng khu vực nghỉ ngơi và giải trí hiện đại.

Cùng về top 5 với sân bay Changi còn có sân bay quốc tế Incheon ở Seoul (Hàn Quốc), sân bay quốc tế Helsinki ở Phần Lan, sân bay quốc tế Munich ở Đức, và sân bay quốc tế Vancouver ở Canada.

10 sân bay tốt nhất theo Sleeping In Airports:

1. Sân bay quốc tế Changi, Singapore

2. Sân bay quốc tế Incheon, Seoul, Hàn Quốc

3. Sân bay quốc tế Helsinki, Phần Lan

4. Sân bay quốc tế Munich, Đức

5. Sân bay quốc tế Vancouver, Canada

6. Sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia

7. Sân bay quốc tế Hong Kong, Hong Kong

8. Sân bay quốc tế Haneda, Tokyo, Nhật Bản

9. Sân bay quốc tế Schiphol, Amsterdam, Hà Lan

10. Sân bay quốc tế Zurich, Thụy Sĩ
Theo Đất Việt

Post a Comment

Khách Tây nói gì về hai sân bay quốc tế Việt Nam

0 comments

                              Sân bay Nội Bài khá nhỏ hẹp so với lượng khách tới đây.


“Nhỏ, bẩn, dịch vụ đắt đỏ, thủ tục phiền hà, nhân viên không thân thiện” là những đánh giá chung của du khách nước ngoài về hai sân bay lớn nhất Việt Nam.


Sân bay Nội Bài là cảng hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam, đón hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. 

Không ngừng được nâng cấp, sửa chữa, nhưng sân bay này vẫn không để lại được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt các du khách quốc tế qua nhận xét trên trang đánh giá chất lượng sân bay uy tín, Airlinequality.com.

Hành khách P. Lidgett đến từ Úc phàn nàn: “Bên trong rất nóng và ngột ngạt dù ở đó vào một ngày trời lạnh, nhân viên không thân thiện chút nào. 

Một nhân viên bán hàng mặt khinh khỉnh khi tôi hỏi về sản phẩm. Không có chỗ nào để đổi tiền sau khi đi qua hải quan. 

Hơn nữa, họ nói tôi có thể đem chai Chivas Regal miễn thuế qua một sân bay trung chuyển quốc tế, sau đó tôi bị nhân viên sân bay Singapore tịch thu và bảo lẽ ra tôi nên biết là không được làm thế.”


1
Du khách đánh giá nhân viên sân bay không thân thiện và kĩ năng giao tiếp kém.


Những hành khách khác không hài lòng về việc phải kiểm tra lại hành lý xách tay khi hạ cánh và phải làm thủ tục hải quan trước khi được ra lấy hành lý ký gửi. D.Caudwell (Anh) khuyên mọi người nên đem theo sách đọc trong lúc chờ đợi, vì wi-fi ở sân bay rất tệ. 

Anh cho biết chuyến bay của mình bị đổi cổng mà không hề được thông báo, khiến nhiều người gặp rắc rối.

Jennifer Ussery đến từ Mỹ còn bực bội thốt lên rằng: “Đây là sân bay tệ nhất tôi từng tới. Nhân viên không hề tôn trọng khách một chút nào, không hiểu biết và không chuyên nghiệp. 

Tôi không hiểu tại sao sau nhiều ý kiến than phiền như vậy mà các nhà quản lý không làm gì để cải thiện tình trạng này. 

Sân bay là nơi tạo ra ấn tượng đầu tiên về một đất nước.”


2
Tình trạng thiếu chỗ ngồi vào những ngày cao điểm không phải là điều hiếm gặp.


Hành khách dễ tính hơn thì nói: “Thủ tục lên máy bay đã nhanh chóng hơn, có vẻ là một bước tiến lớn. Hãy nhớ, đây là một nước đang phát triển, chấp nhận điều đó và bạn sẽ thấy ổn thôi.”

Đứng số 8 trong danh sách những sân bay quốc tế tệ nhất châu Á, Tân Sơn Nhất cũng có chung một số nhược điểm với Nội Bài như nhà vệ sinh không sạch sẽ, wi-fi chập chờn, giá cả đắt đỏ và nhân viên không chuyên nghiệp.

3
Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế chính ở khu vực phía Nam.

Stephane Bruno bình luận: “Đây giống như một sân bay nội địa hơn là một sân bay quốc tế. Nhân viên không thân thiện. 

Quá ít quầy nhập cảnh, giá cả ở các cửa hàng quá đắt đỏ, nhân viên bán hàng không có kiến thức và nói tiếng Anh không được tốt. Giá đồ ăn quá đắt.” Tuy nhiên, một số khách hàng khá hài lòng với sân bay Tân Sơn Nhất do thủ tục gọn gàng, hành lý tới nhanh và không mất công di chuyển do sân bay khá nhỏ.


4
Sân bay Tân Sơn Nhất được đánh giá cao hơn nhờ thủ tục nhanh gọn.



Post a Comment