Chuyện Cấm Cười - Theo VnExpress
Đừng tỏ ra quá thích một món đồ
nào đó mà hãy dành thời gian tham khảo các cửa hàng khác nhau để đưa ra
mức giá phù hợp nhất khi đi mua sắm.
Một số mẹo vặt sau sẽ giúp bạn tránh lãng phí khi mua sắm trên hành trình du lịch.
Không tỏ ra quá thích
Việc để lộ ý thích quá sớm hoặc quá mức có thể khiến người bán hàng đẩy
giá thành món đồ bạn muốn mua lên cao và không đồng ý giá mà bạn mặc
cả. Do vậy, khi bắt gặp món đồ yêu thích hãy kiềm chế việc biểu lộ cảm
xúc, nếu có thể hãy vờ như không mấy quan tâm để chủ hàng đưa ra mức giá
thấp hơn và việc mặc cả của bạn cũng dễ dàng hơn.
Tham khảo giá
Món đồ bạn muốn mua không phải là duy nhất và tại các khu du lịch chúng thường sẽ
được bán ở các cửa hàng khác nhau. Thay vì mua ngay lần đầu tiên nhìn
thấy, bạn hãy dành thời gian đi một vòng các cửa hàng bên cạnh và hỏi
giá. Điều này không những giúp bạn có thể biết gần chính xác nhất giá
tiền thực của món hàng đó để mặc cả, mà biết đâu bạn còn tìm được thứ
ưng hơn.
Đưa ra mức giá phù hợp
Mặc cả bao nhiêu phụ thuộc phần lớn vào sự nhạy cảm về món đồ mà bạn
định mua cũng như văn hóa bán hàng tại nơi bạn đến. Tuy nhiên, việc tìm
hiểu mức trả giá từ kinh nghiệm của những người đi trước hoặc trên các
diễn đàn du lịch sẽ giúp bạn nắm bắt được điều này. Thông thường, giá
bạn mua sẽ thấp hơn giá người bán nói 10% - 30%, tuy nhiên ở một số nơi,
mức trả giá có thể lên đến 50%. Do đó hãy đưa ra mức giá phù hợp cho
mỗi món đồ tại mỗi điểm đến.
Hãy mỉm cười
Hãy vui vẻ khi trả giá để tăng sự thành công cho cuộc mặc cả. Ảnh: kingstonorthodontics
|
Dù khách hàng là thượng đế nhưng với bộ mặt cau có, đăm chiêu bạn sẽ
khó mặc cả thành công. Nói năng từ tốn, lịch thiệp kèm theo nụ cười luôn
thường trực trên môi sẽ giúp bạn gây được thiện cảm với người bán, và
khiến cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn. Thậm chí nếu việc mặc cả thất
bại, bạn cũng sẽ không cảm thấy bực tức mà thoải mái chọn mua ở hàng
khác.
Luôn tỉnh táo
Điều này không chỉ được vận dụng khi kiểm tra chất lượng của món hàng
định mua, mà còn giúp bạn cảnh giác với những chiêu trò của người bán.
Họ có thể sắp đặt rất nhiều người mua cùng lúc bạn đến để thể hiện cửa
hàng rất uy tín và đắt khách, tuy nhiên bạn hãy nhìn thẳng vào thực tế
chất lượng hàng hóa và giá cả ở đây.
Thậm chí, những người bán hàng, đặc biệt là những người bán rong ở
khu du lịch thường đem hoàn cảnh thương tâm của bản thân, gia đình ra
kể lể. Đừng để họ đánh lừa bạn. Đây là chiêu trò phổ biến họ tung ra để
bạn dễ dàng mua hàng với giá cao.
Mua sắm cùng người địa phương
Nếu có người quen, thân hoặc bạn bè tại nơi du lịch, hãy nhờ họ đi mua
cùng bạn. Với sự am hiểu của mình, họ sẽ giúp bạn mua đồ đúng nơi và
không bị chặt chém.
Nếu không thể có ai đi cùng, hãy bỏ túi những câu
nói thông dụng khi mua sắm bằng tiếng địa phương, để người bán thấy bạn
có kinh nghiệm mua hàng mà không đội giá quá cao.
Tùy vào điểm mua sắm bạn mới có thể mặc cả. Ảnh: toptentravel
|
Chọn thời điểm mặc cả
Trả giá ngay khi họ mở hàng hay lúc mới sờ vào đồ đôi khi chỉ làm bạn
nhận được những cái lắc đầu lạnh nhạt. Bởi họ nghĩ bạn chỉ đang khảo giá
mà không thiện chí mua đồ, khiến "dông" cả buổi. Do đó, hãy lựa chọn
thật kỹ trước khi đưa ra một mức giá nào đó để người bán thấy bạn đã cân
nhắc và thiện chí lấy hàng. Cửa hàng sắp đóng cửa, khi kết thúc mùa du lịch hoặc thị trường ế ẩm cũng là lúc rất thích hợp để bạn yêu cầu nhân viên giảm giá.
Giả vờ bỏ đi
Sau nhiều nỗ lực mặc cả không thành công, bỏ đi nhiều lúc lại phát huy
tác dụng. Lúc này có thể người bán sẽ cân nhắc đến lợi nhuận ít hay
nhiều mà đồng ý bán và gọi bạn quay lại. Bằng không, bạn vẫn có thể tùy ý
lựa chọn ở nhiều cửa hàng khác. Thậm chí, sau khi đi một vòng nếu vẫn
ưng món hàng và giá ở đó, bạn có thể quay lại.
Vy An
Post a Comment